Mỹ cắt giảm 4 nghìn tỷ đô la thâm hụt ngân sách

Dự thảo ngân sách liên bang tài khóa 2013 được trình lên Quốc hội, chính quyền Mỹ đã đề ra mục tiêu cắt giảm khoảng 4.000 tỷ USD thâm hụt ngân sách trong vòng 10 năm tới, là một trong những nội dung chính của bản tin kinh tế tài chính tuần qua.

1. Mỹ


 Theo đó, mức thâm hụt ngân sách tài khóa 2012 sẽ vào khoảng 1.330 tỷ USD, giảm xuống mức 901 tỷ USD năm 2013 và khoảng 575 tỷ USD vào năm 2018. Mục tiêu là giảm mức thâm hụt ngân sách từ mức chiếm 8,5% GDP hiện nay xuống mức tương đương 2,8% GDP vào năm 2018. Tuy nhiên, kế hoạch này chỉ có thể đạt được khi các đề xuất tăng thuế đối với người giàu, giảm chi tiêu ngân sách của các bộ ngành được Quốc hội thông qua.

Kinh tế Mỹ đón nhận những thông tin lạc quan: Số lượng đơn đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần trước đã giảm 13.000 đơn, xuống 348.000 đơn - thấp hơn dự báo và thấp nhất kể từ tháng 3/2008 cho thấy sự phục hồi của thị trường lao động tiếp tục được duy trì.

Thị trường nhà đất cũng có dấu hiệu tích cực khi số lượng cấp phép xây dựng và số lượng nhà xây mới tăng tương ứng 0,7% và 1,5% trong tháng 1, trái ngược  với  xu  hướng  giảm  trong  tháng  12.  Một  báo  cáo  khác  cho  thấy  chỉ  số  kinh  doanh  khu  vực Philadenphia tăng mạnh lên 10,2 điểm từ mức 7,3 điểm trong tháng 2.

Sản lượng công nghiệp Mỹ tháng 1 giữ nguyên ở mức trong tháng trước do sự giảm sút trong lĩnh vực khai khoáng và sản xuất điện. Chỉ số đo lường lĩnh vực sản xuất, khai khoáng, sản xuất điện và khí được điều chỉnh lên 1% trong tháng 12 từ mức tăng 0,4% trước đó cho thấy lĩnh vực sản xuất Mỹ vẫn có động lực tăng trưởng khá ổn định. Một báo cáo khác cho thấy chỉ số sản xuất khu vực New York tiếp tục tăng mạnh lên 19,5 điểm trong tháng 2 từ mức 13,48 điểm trong tháng 1. Tuy nhiên chỉ số phản ánh mức độ toàn dụng năng lực của các doanh nghiệp giảm 0,9% xuống còn 78,5% trong tháng 1.

Doanh số bán lẻ Mỹ tăng thấp hơn dự báo trong tháng 1. Theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của nước này tháng 1 tăng 0,4%, sau khi không tăng trưởng trong tháng cuối cùng của năm 2011. Con số này chỉ bằng một nửa so với dự báo 0,7% của các chuyên gia kinh tế trước đó. Nhu cầu mua ô tô giảm 1,1% trong tháng 1, giảm mạnh nhất kể từ tháng 5 là nguyên nhân chính khiến doanh số bán lẻ không được như kỳ vọng. Một báo cáo khác cho thấy dự trữ tồn kho của các doanh nghiệp Mỹ tháng 12 tiếp tục tăng 0,4%, thấp hơn so với dự đoán tăng 0,5% của giới phân tích.

2. Trung Quốc


Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc tiếp tục giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 1. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, FDI vào Trung Quốc giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 9,997 tỷ USD trong tháng 1. Triển vọng thu hút vốn từ nước ngoài là khá khó khăn, sau khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và khủng hoảng nợ châu Âu khiến các doanh nghiệp nước ngoài ngừng giải ngân hoặc mở rộng thêm hoạt động. Đầu tư giảm càng gia tăng áp lực lên tăng trưởng của Trung Quốc và khiến giới chức nước này nhiều khả năng phải sớm ban hành các biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế.

Theo Financial Times, các ngân hàng Trung Quốc đang thực hiện đảo nợ cho các khoản vay của chính quyền địa phương để tránh làn sóng vỡ nợ. Ước tính, các tỉnh và thành phố của nước này nợ tới 10,7 nghìn tỷ CNY, tương đương 1/4 GDP của cả nước để thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế nhằm đương đầu với khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Hơn một nửa số nợ này phải trả trong 3 năm tới. Tình hình kinh tế toàn cầu chậm lại ảnh hưởng tới tăng trưởng trong nước cùng với sự trầm lắng của thị trường bất động sản khiến cho nguy cơ từ các khoản nợ của chính quyền địa phương gia tăng, trở thành một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay.

3. Anh

Niềm tin người tiêu dùng tại Anh tăng mạnh trong tháng 2 trong khi tỷ lệ thất nghiệp tháng 2 giữ nguyên ở mức của tháng trước.Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Anh do tổ chức Westpac khảo sát tăng mạnh 9 điểm lên 47 điểm trong tháng 2. Tỷ lệ thất nghiệp tại Anh 3 tháng tính đến tháng 2 duy trì ở mức 8,4% mặc dù số lượng đơn đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp tăng tới 5.000 đơn lên 6.900 đơn trong tháng 1, gấp hơn 2 lần so với dự báo của giới phân tích.

4. Úc

Tỷ lệ thất nghiệp tại Australia tháng 1 bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng quanhờ số lượng người mới tìm được việc làm tăng mạnh. Tỷ lệ người lao động chưa tìm được việc làm tại Australia giảm 0,1% xuống 5,1% trong tháng 1, trái ngược với dự đoán tăng lên 5,3% của giới phân tích. Trong khi đó, số lượng việc làm tăng thêm lên tới 46.300 việc làm, trong khi giới phân tích dự đoán sẽ giảm 10.000 việc làm. Động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của NHTW Australia trong 2 tháng cuối năm đang có tác động tích cực tới nền kinh tế.

Niềm tin của giới doanh nghiệp Australia vào nền kinh tế tăng trở lại trong tháng 1. Khảo sát của NAB cho thấy niềm tin của giới doanh nghiệp Australia đã tăng thêm 1 điểm lên 4 điểm trong tháng 1, trong khi đó, chỉ số phản ánh đánh giá của giới đầu tư về triển vọng kinh doanh cũng tăng nhẹ 1 điểm. Những động thái cắt giảm lãi suất mạnh tay trong hai tháng cuối năm 2011 phần nào hỗ trợ cho các doanh nghiệp Australia trong bối cảnh nhu cầu thế giới giảm sút và đồng AUD tiếp tục tăng giá khá mạnh.

5. Đức

Niềm tin của giới doanh nghiệp Đức tháng 2/2012 tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 10 tháng qua. Theo khảo sát của tổ chức ZEW Economics, chỉ số niềm tin kinh tế phản ánh đánh giá về triển vọng nền kinh tế Đức từ 3-6 tháng tới tăng lên 5,4 điểm trong tháng 2 từ mức -21,6 điểm trong tháng 1. Tháng tăng thứ 3 liên tiếp đã đưa chỉ số này lần đầu tiên vượt mức 0 điểm kể từ tháng 5/2011 và vượt xa so với dự báo của giới phân tích. Trong đó, chỉ số phản ánh đánh giá về tình hình kinh tế hiện tại cũng tăng mạnh 11,9 điểm lên 40,3 điểm. Chuyên gia của tổ chức ZEW nhận định nền kinh tế Đức đang ổn định trở lại và sẽ tăng trưởng trong nửa đầu năm nay.

6. Nhật Bản

Trong phiên họp thường kỳ, NHTW Nhật Bản (BoJ) đã tăng thêm các biện pháp nới lỏng định lượng nhằm đối phó với tình hình giảm phát và sự phục hồi kinh tế chậm chạp do đồng JPY tăng mạnh. BoJ đã tăng thêm 10.000 tỷ JPY cho chương trình mua lại tài sản, nâng tổng quy mô của chương trình này lên 65.000 tỷ JPY. Toàn bộ số tiền tăng thêm này sẽ dành để mua trái phiếu chính phủ dài hạn. BoJ cũng tuyên bố chính sách nới lỏng định lượng này sẽ tiếp tục đến khi nào đạt được mức CPI mục tiêu 1%. Lãi suất cơ bản tiếp tục được giữ ở mức thấp kỷ lục 0-0,1%.

7. Châu Âu

Kinh tế châu Âu quý IV giảm lần đầu trong 2,5 năm do những tác động tiêu cực từ khủng hoảng nợ công và những biện pháp cắt giảm ngân sách của chính phủ. Theo Eurostat, GDP của khu vực đồng euro giảm 0,3% trong quý IV so với quý III, mức giảm đầu tiên kể từ quý II/2009. So với cùng kỳ năm trước, GDP của khu vực đồng euro tăng 0,7%. Trong đó, tăng trưởng GDP của Đức so với cùng kỳ năm trước giảm xuống 1,5% trong Quý 4 từ mức 2,6% trong Quý trước. Pháp vẫn duy trì được đà tăng trường 0,2% trái ngược với dự đoán sẽ giảm 0,3% trong Quý này trong khi Italia chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật khi tăng trưởng âm 0,7% so với quý trước, sau khi giảm 0,2% trong quý III/2011.

Sản lượng công nghiệp khu vực eurozone tháng 12 tiếp tục giảm mạnh 1,1% so với tháng 11 sau khi giảm 0,1% trong tháng trước. Trong đó, sản lượng công nghiệp tai Đức giảm mạnh nhất, tới 2,7% so với tháng trước. So với cùng kì năm trước, sản lượng của khu vực này giảm 2%. Lĩnh vực sản xuất đi xuống dưới tác động của khủng hoảng nợ công gia tăng nguy cơ rơi vào suy thoái của toàn khu vực. Các chuyên gia kinh tế dự đoán GDP của toàn khu vực giảm 0,4% quý cuối năm 2011 sau khi tăng 0,1% trong quý trước.

Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's đã hạ xếp hạng của 6 nước châu Âu, trong đó có Italia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, và hạ triển vọng xếp hạng của Anh và Pháp xuống tiêu cực. Theo đó, xếp hạng tín dụng của Tây Ban Nha bị hạ từ A1 xuống A3, Italia bị hạ từ A2 xuống A3 và Bồ Đào Nha từ Ba2 xuống Ba3, xếp hạng của cả 3 nước đều có triển vọng tiêu cực. Ba nước còn lại bị hạ xếp hạng tín dụng là Slovakia, Slovenia và Malta. Nguyên nhân của việc hạ xếp hạng tín dụng là triển vọng kinh tế vĩ mô ngày càng yếu đi của châu Âu, đe dọa việc thực hiện các chương trình thắt lưng buộc bụng và cải cách cơ cấu cần thiết để thúc đẩy năng lực cạnh tranh.

8. Toàn cầu

Theo Cơ quan nghiên cứu kinh tế của báo The Economist (EIU), GDP toàn cầu năm 2012 dự kiến sẽ tăng trưởng 3,1%, trong khi nhóm các nền kinh tế lớn và phát triển nhất thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 1%. Trong đó, kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,8%, châu Âu giảm 0,7% và Nhật Bản tăng 1,9%. Kinh tế khu vực châu Á và Australia sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 6%, so với 6,5% năm 2011, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống 8,2%, từ mức 9,2% năm 2011, trong khi Ấn Độ chỉ tăng 6,3%. Tổ chức này nhận định 2012 sẽ là một năm bất ổn đối với nền kinh tế toàn cầu nhưng dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện trong những năm tiếp theo, đạt tốc độ tăng trưởng 3,9% trong năm 2013, 4,1% năm 2014 và 4,3% năm 2015.
 

Comments

Popular posts from this blog

Nhiều nước Eurozone tuyên bố "thắt lưng buộc bụng"

Giá hạt tiêu thế giới tăng mạnh

Chế tác Pagarank (pagerank sculpting) thủ thuật xây dựng liên kết