Đừng quên mất LAN - Một thời đáng nhớ của game

Sự tiện lợi mà công nghệ mang tới vô hình chung khiến cho các game thủ lười ra khỏi căn phòng của mình và quên đi nhiều giá trị mang tính lịch sử trong sự phát triển của ngành công nghiệp game.

Multiplayer - chế độ chơi nhiều người trong game - đã thay đổi trò chơi điện tử một cách đáng kể trong suốt hành trình phát triển của loại hình giải trí này. Bắt đầu bằng kiểu chơi phối hợp, chia đôi màn hình cho tới thi đấu qua mạng LAN và rồi internet, Multiplayer trong game đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của internet lại đang bỏ đi mất nhiều nét văn hóa quý giá của thời kỳ mạng LAN.


Hẳn bạn vẫn còn nhớ cảm giác khi cùng một người nữa “phá đảo” trong những bản Contra trên máy điện tử 4 nút từ hơn 10 năm trước đây. Cảm giác khi được cùng tung hoành hay thi đấu trong game với một con người hoàn toàn thú vị hơn nhiều so với “bắt nạt” những nhân vật máy được điều khiển bằng AI.

Ngày nay mọi người có thể kể đến rất nhiều trò chơi với AI xuất sắc nhưng ở thời kì của đồ họa 8 bit với 16 bit thì thứ “khó chịu” nhất làm khó các game thủ chỉ có sự giới hạn của công nghệ. Thế nên, chẳng phải ngẫu nhiên mà game lại có một tiền đề vững chắc để các nhà làm game sau này phát triển thứ gọi là Multiplayer.


Thực sự thì khái niệm phần chơi nhiều người trong game đã xuất hiện từ thời “nguyên thủy” của game trong trò chơi Pong. Việc người chơi này thi đấu với người chơi khác trong một trò chơi điện tử thô sơ mô phỏng môn thể thao bóng bàn cũng chính là một hình thức Multiplayer. Chẳng qua ngày nay những dịch vụ như Xbox Live có sức ảnh hưởng quá lớn khiến mọi người quên rằng game đã từng “đồ đá” đến như thế.

Cho đến thời kì của chiếc máy Nintendo 64, mọi người đã biết đến chuyện chia màn hình làm 4 và “chiến trường” trong game bắt đầu mang nhiều “màu sắc” hơn khi số lượng thành viên tham gia vào một ván đấu tăng dần. Ở thời kì đỉnh cao của mạng LAN với những trò chơi như Doom II, Quake III, Half-Life thì LAN party thậm chỉ còn trở thành một nét văn hóa đẹp đối với các game thủ PC.


Mọi người không chỉ có thể tổ chức những giải đấu mang tính cục bộ trên cùng một hệ thống mạng LAN của ký túc xá mà còn có thể nâng tầm nó thành những buổi tụ họp lớn với sự tham gia của vài chục và thậm chí là vài trăm người. Những giải đấu game FPS đầu tiên với trị giá giải thưởng có thể to như một chiếc Ferrari của John Carmack cũng đã có điều kiện để phát triển.

Tuy nhiên, giá trị cộng đồng của những game có phần chơi mạng qua LAN bắt đầu mai một theo thời gian cùng với những “phát kiến” của ngành công nghiệp game thời đại mới. Liệu bạn có muốn cắm đường truyền LAN vào máy console hay PC của mình nếu trò chơi đó đã có chế độ co-op chia màn hình. Liệu LAN có còn cần thiết khi mà internet trở thành thứ xuất hiện phổ biến như TV trong các gia đình.


Sự tiện lợi mà công nghệ mang tới vô hình chung khiến cho các game thủ lười ra khỏi căn phòng của mình và quên đi nhiều giá trị mang tính lịch sử trong sự phát triển của ngành công nghiệp game. Giả sử trò chơi điện tử không thể kết nối nhiều con người như thế thì nó đã không được xã hội đón nhận như ngày hôm nay.

Nếu như bạn vẫn có thói quen ra một hàng game, ngồi vào chiếc PC “cùi” so với dàn máy cấu hình cao ở nhà để tham gia vào vài ván đầu DotA với bạn bè thì trước hết nên biết ơn trò chơi điện tử vì nếu chưa từng có Pong, DotA cũng sẽ chẳng thể ra đời. Thứ hai, bạn vẫn còn hạnh phúc hơn rất nhiều người vẫn đang ngày ngày chơi game một mình.

Internet có thể khiến LAN trở thành một giá trị của quá khứ nhưng hãy nhớ, đã từng có thời kì, khi mà internet vẫn chưa phát triển, các game thủ trên thế giới đã khai sinh ra một thứ văn hóa gọi là LAN party.

Kevin (theo MaskOnline)

Comments

Popular posts from this blog

Nhiều nước Eurozone tuyên bố "thắt lưng buộc bụng"

Giá hạt tiêu thế giới tăng mạnh

Chế tác Pagarank (pagerank sculpting) thủ thuật xây dựng liên kết