“Sứ mạng khó khả thi” của tân thủ tướng Italy

Sau hơn 17 năm “dưới ánh đèn màu sân khấu chính trị Italy”, nhà tài phiệt Berlusconi đã lui vào bóng tối để nhường chỗ cho chuyên gia kinh tế Mario Monti.
Vận mệnh Italy hiện được đặt trong tay chuyên gia kinh tế Mario Monti, với trọng trách vực dậy nền kinh tế lớn thứ ba trong Eurozone, tái tạo uy tín đối với quốc tế và đem lại hy vọng cho hơn 61 triệu người dân.
Di sản nặng nề
Tân Thủ tướng Mario Monti lên cầm quyền trong bối cảnh khá đặc biệt: Italy đứng trước nguy cơ vỡ nợ với một khoản nợ nhà nước lên tới 1.900 tỷ euro, tương đương với 120 % tổng sản phẩm nội địa. Ngành ngân hàng, các quỹ đầu tư và hãng bảo hiểm, các chủ nợ của chính phủ Italy ngày càng hoang mang. Lo ngại Italy mất khả năng thanh toán càng lớn thì tiền lãi ngân hàng mà Roma phải trả cho các chủ nợ càng cao. Trong tài khóa 2012, chính phủ Italy phải chi thêm từ 12 đến 15 tỷ euro chỉ để thanh toán các khoản tiền lãi ngân hàng.
Một vấn đề nóng bỏng khác là thất nghiệp. Tuy là một trong bảy nền công nghiệp hàng đầu thế giới, nhưng Italy phải đi vay tín dụng dài hạn với lãi suất cao hơn so với Đức. Mặc dù là thành viên của Câu lạc bộ các nước giàu nhất thế giới, 30 % thanh niên Italy dưới 30 tuổi không có việc làm. Thực tế càng phũ phàng hơn tại các vùng ở miền Nam nghèo khó. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình là 9 %. Ngành công nghiệp xe hơi với những thương hiệu nổi tiếng như Fiat, Alfa Romeo vốn là niềm tự hào của Italy lần lượt rơi vào tay các tập đoàn đoàn nước ngoài. Fiat đang bị Chrysler của Mỹ thâu tóm. May mà lĩnh vực xuất khẩu của Italy còn trông cậy vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ như trong giới thời trang, các nhà tạo mẫu, ngành công nghiệp giày da …
Về mặt tâm lý, niềm tự hào của người dân Italy cũng bị tổn thương sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Trung ương Châu Âu được quyền giám sát các khoản chi tiêu của nhà nước. Chưa hết, Ủy ban Châu Âu vẫn tiếp tục gia tăng sức ép đòi chính phủ Italy “cố gắng hơn nữa” trong việc thi hành chính sách cắt giảm chi tiêu do kinh tế khó khăn, GDP hầu như không tăng trưởng. Nội các vừa bị giải tán của ông Silvio Berlusconi đã thông qua hai kế hoạch thắt lưng buộc bụng vào tháng 6 và tháng 9 vừa qua: Italy cam kết tiết kiệm ngân sách nhà nước 60 tỷ euro từ nay đến năm 2013 để thu hẹp bội chi ngân sách.
Theo giới quan sát, việc Italy “dậm chân tại chỗ” dưới thời Berlusconi không phải là điều đáng ngạc nhiên. “Doanh nhân” Berlusconi chính là thách thức đầu tiên, là trở lực to lớn đối với “chính khách” Berlusconi.
Làm sao mà Thủ tướng Berlusconi có thể đem lại một làn gió mới cho hệ thống truyền thông công cộng, khi ba đài truyền hình, một nhà xuất bản và 40 tờ báo khác nhau đều nằm trọn trong tay ông? Làm sao Thủ tướng Berlusconi lại có thể cải tổ ngành tư pháp, khi bản thân ông bị sa lầy trong 27 vụ kiện khác nhau? Làm sao Silvio Berlusconi có thể cải tổ hệ thống thuế khóa, khi chính ông là kẻ trốn thuế? Làm thế nào để củng cố quyền lực của Nhà nước khi Thủ tướng Berlusconi không ngần ngại đưa người tình cũ vào nội các và luôn đưa ra những đạo luật để che chắn cho bản thân ông, cho vương quốc báo chí do ông ngự trị ? Làm sao Berlusconi có thể chấn chỉnh kỷ cương và đạo lý tại một đất nước nổi tiếng là ngoan đạo, khi ông lại là người đầu têu các cuộc ăn chơi trụy lạc?
Giáo sư Luigi Paganetto của Đại học kinh tế Roma nói: “Khủng hoảng hiện nay là hậu quả trực tiếp của đường lối quản lý hành chính tệ hại mà 3 chính phủ của Thủ tướng Berlusconi để lại từ năm 1994. Năm 1994 khi lên cầm quyền Silvio Berlusconi đã hứa đem lại những sự thay đổi lớn cho Italy. Nhưng tới nay, không một cam kết nào của Berlusconi được thực hiện. Trong thời gian 10 năm trên cương vị thủ tướng, ông Silvio Berlusconi đã không can đảm tiến hành cải tổ và đã không đề ra bất kỳ một biện pháp nào để thúc đẩy kinh tế. Tỷ lệ tăng trưởng của Italy giờ đây gần như là số không và vấn đề nợ công đang làm tê liệt tất cả”.
Dư luận Italy đã chán ngấy các vụ tai tiếng trong đời tư của Thủ tướng Silvio Berlusconi, quá mệt mỏi để theo dõi các vụ kiện Berlusconi và cũng quá ê chề khi thấy ông thủ tướng như một anh hề, tuyên bố lung tung mỗi khi tham dự hội nghị quốc tế.
Tìm đâu ra động lực tăng trưởng?
Trái với người tiền nhiệm, tân Thủ tướng Mario Monti là một người rất kín tiếng. Báo chí hầu như không biết gì về đời tư của ông ngoại trừ Mario Monti là một người rất mê ca kịch. Nhưng vị cứu tinh này làm thế nào để đảo ngược tình thế ? Kinh nghiệm và tầm nhìn xa, trông rộng của giáo sư Monti liệu có đủ sức để thuyết phục người dân Ý cùng với ông uống tiếp các liều thuốc đắng mà quốc tế đã kê đơn cho Roma hay không?
Quốc tế một mực đòi Italy phải “lành mạnh hóa” chính sách tài chính. Cụ thể là giảm thâm hụt ngân sách nhà nước, thu hẹp nợ công. Nhưng phương thức hay nhất để giải quyết bội chi ngân sách phải chăng là khơi dậy ngọn lửa hồng của tăng trưởng? Về điểm này, người ta không thấy IMF hay ECB đề cấp đến.
Từ Rome, Thông tín viên Anne Lenir của RFI phân tích: “Đây sẽ là nhiệm vụ khó hoàn thành, vì tân thủ tướng Italy sẽ phải đề ra những biện pháp khẩn cấp, tránh để đất nước mất khả năng thanh toán. Tổng thống Napolitano dường như rất trăn trở về điều này. Ông nhắc đi nhắc lại rằng Italy thực sự không có thời gian để tổ chức bầu cử trước thời hạn. Những ưu tiên hàng đầu của tân Thủ tướng Monti rất rõ ràng: giảm bớt các khoản chi tiêu của nhà nước, kích thích kinh tế tăng trưởng trở lại, đề xướng những biện pháp để hỗ trợ thanh niên Italy hiện đang phải đối phó với nạn thất nghiệp để giúp họ tìm lại được niềm tin và hy vọng. Đây thực sự là một vấn đề vô cùng cấp bách vì 1 /3 thanh niên Italy dưới 30 tuổi hiện không có việc làm".
Bên cạnh bài toán nan giải thuần túy về mặt kinh tế, thành công hay thất bại của tân Thủ tướng Mario Monti còn tùy thuộc vào những yếu tố chính trị. Điều quan trọng nhất là chính phủ mới của giáo sư Monti phải làm sao để không bị các đảng phái chính trị Italy “bắt làm con tin”.

Comments

Popular posts from this blog

Nhiều nước Eurozone tuyên bố "thắt lưng buộc bụng"

Giá hạt tiêu thế giới tăng mạnh

Chế tác Pagarank (pagerank sculpting) thủ thuật xây dựng liên kết