Trung Quốc và chiếc “vòng kim cô dầu lửa”

http://v3.stockbiz.vn/Handlers/GetThumbnail.axd?i=201108240113300156250&w=198Dầu lửa đang là mối lo an ninh năng lượng của Trung Quốc, do nguồn khai thác trong nước ngày càng cạn kiệt trong khi nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, giá dầu thế giới ngày càng cao.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư vấn năng lượng nhà nước Chu Đại Địa, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc Liêu Vĩnh Viến cho biết  Trung Quốc hiện đã vượt Mỹ trở thành nước phụ thuộc lớn nhất vào nguồn nhập khẩu dầu lửa nước ngoài. Hiện Trung Quốc nhập 55,2% nhu cầu dầu lửa từ nước ngoài, trong khi Mỹ chỉ có 53,5%.


Năm 2007, mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu dầu lửa nước ngoài của Mỹ tới 67%, nhưng năm 2008 giảm xuống còn 65,79%, năm 2009 còn 61,5%, năm 2010 còn 62,7%, hiện nay giảm xuống chỉ còn 53,5%. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố 10 năm tới, lượng nhập khẩu dầu lửa của Mỹ giảm xuống chỉ còn 1/3 mức độ hiện nay.


Ngược lại, mức độ phụ thuộc của Trung Quốc ngày càng tăng lên. Năm 2007 mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu nguồn dầu lửa nước ngoài của Trung Quốc là 49%, năm 2008 là 50%, năm 2009 là 53%, năm 2010 là 55%, hiện nay tới 55,2%. Tới năm 2020 mức phụ thuộc của Trung Quốc sẽ trên 60%.


Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc Liêu Vĩnh Viến dẫn lời  Cố vấn năng lượng Nhà Trắng David Sandre nói rằng các nước phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguồn dầu lửa nước ngoài chẳng khác gì “Chiếc vòng kim cô” siết lên đầu, mức độ phụ thuộc càng lớn thì “Chiếc vòng kim cô” dầu lửa” siết chặt. Hiện nay, Trung Quốc đang ở trong tình trạng đó và điều này đe dọa nghiêm trọng an ninh năng lượng của Trung Quốc.


Trong Báo cáo tình hình năng lượng thế giới năm 2010, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc những năm qua tăng lên đáng báo động. Trong “Niên giám thống kê năng lượng năm 2010”, hãng BP của Anh cũng viết: “Hiện nay Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Mức độ phụ thuộc vào năng lượng dầu lửa đang đe dọa an ninh kinh tế của Trung Quốc”.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư vấn năng lượng nhà nước Chu Đại Địa nói mặc dù Mỹ hiện nay vẫn là nước tiêu thụ và nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, nhưng Mỹ đã tháo gỡ được  “Chiếc vòng kim cô dầu lửa” bằng việc cắt giảm và hạ thấp tỉ lệ nhập khẩu dầu lửa trong tiêu dùng, thay vào đó là sử dụng khí đốt thiên nhiên và các nguồn năng lượng thay thế. Đồng thời Mỹ có những cải tiến kỹ thuật đáng kể và phương thức quản lý nên đã tận dụng có hiệu quả cao sử dụng năng lượng của các phương tiện và thiết bị. Chính vì vậy mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu dầu lửa ngày càng giảm xuống.


Để đảm bảo an ninh năng lượng, thời gian qua “Chiến lược ngoại giao năng lượng” trở thành nội dung chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Đồng thời, lãnh đạo Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp - nhất là ba Tập đoàn dầu khí lớn là Tổng công ty dầu lửa Trung Quốc (PetroChina), Tổng công ty dầu khí ngoài khơi (CNOOC) và Tổng công ty hóa dầu Trung Quốc (ChinaChem) -  tìm kiếm nguồn dầu lửa nước ngoài. Mặc dù nhiều cố gắng, nhưng hầu hết bị thua lỗ và bị cạnh tranh gay gắt.


Tờ “Chứng khoán Trung Quốc” ngày 22/8 dẫn phát biểu của Cố vấn đầu tư dầu lửa Trung Quốc Chu Tu Kiệt cho biết nhiều năm qua, ba Tập đoàn dầu lửa lớn Trung Quốc đầu tư nước ngoài kém hiệu quả, “lãi ít lỗ nhiều”. Năm 2010, ba tập đoàn này đã phải ngừng 6 hạng mục công trình khai thác dầu khí nước ngoài, nhất là ở Bắc Phi và Trung Đông, bị thua lỗ tới trên 1,2 tỉ vhân dân tệ (CNY). Tháng 5/2011, CNOOC bị Công ty dầu khí quốc gia Indonesia cạnh tranh, nên đã thất bại trong đầu tư vào khai thác dầu lửa ở Angola. Tháng 6/2011, PetroChina bị thua trong đấu thầu khai thác dầu lửa ở Canada. Đó là chưa kể những công trình thăm dò và khai thác dầu khí ở Libya, Syria có nguy cơ  bị mất trắng do tình hình chính trị bất ổn định ở đây. Ông Chu Tu Kiệt nói năm qua ba tập đoàn dầu khí lớn của Trung Quốc bị thua lỗ nghiêm trọng.


Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc Liêu Vĩnh Viến cho rằng Trung Quốc cần học tập kinh nghiệm của Mỹ là mở rộng sử dụng khí đốt thiên nhiên thay cho dầu lửa. Những năm qua Mỹ đã thực hiện rất thành công chiến lược này. Hiện nay mạng lưới cung cấp khí đốt thiên nhiên của Mỹ chiếm 1/3 thế giới. Ông cho biết Trung Quốc đã xây lắp xong và đưa vào vận hành ống dẫn khí đốt từ các nước Trung Á về Trung Quốc. Hiện nay đang tiếp tục xây lắp đường ống dẫn khí đốt thứ hai. Tiếp đó là đường ống dẫn khí đốt thứ ba sẽ tiếp tục được xây dựng. Sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành ba đường ống này, Trung Quốc mới có thể hy vọng “Chiếc vòng kim cô dầu lửa” sẽ được nới lỏng và an ninh năng lượng được cải thiện.
 

Comments

Popular posts from this blog

Nhiều nước Eurozone tuyên bố "thắt lưng buộc bụng"

Giá hạt tiêu thế giới tăng mạnh

Chế tác Pagarank (pagerank sculpting) thủ thuật xây dựng liên kết