Chứng khoán thế giới nhường ‘sân’ cho địa ốc

Nếu thị trường bất động sản hình thành thế phục hồi vững chắc hơn, nó hoàn toàn có thể dòng tiền đầu cơ sẽ bị hút mạnh khỏi TTCK để chuyển vào kênh địa ốc, khiến cho TTCK tiếp tục những cơn chao đảo mới.
Vào đầu tháng 4/2011, khi câu chuyện về nợ công của Hy Lạp đã tạm lắng, khối Cộng đồng châu Âu cũng không còn quá lo âu trước "căn bệnh truyền nhiễm" nợ nần, chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ cũng thừa cơ bứt lên trên ngưỡng 12.000 điểm. Đó cũng là thời kỳ nhiều cổ phiếu nhỏ được dân Mỹ ưa chuộng lướt sóng, một số nhà đầu tư kỳ cựu và chuyên gia phân  tích còn lạc quan về tương lai đạt đỉnh cũ trước khủng hoảng (14.090 điểm) của Dow Jones. Ước mơ này là có cơ sở, vì Nasdaq đã trở thành chỉ số đầu tiên của chứng khoán Mỹ vượt qua đỉnh trước khủng hoảng.

Nhưng đến đầu tháng 5/2011, mọi chuyện đã thay đổi hẳn. Một lần nữa vấn đề nợ công Hy Lạp lại ám ảnh nặng nề thế giới chứng khoán. Chỉ số đo lường biến động phố Wall VIX liên tục tăng cao. Tổ chức Khảo cứu Gallup cho biết tỷ lệ người Mỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán ở mức thấp nhất trong 11 năm qua. Theo Gallup, chỉ 54% người Mỹ cho biết họ đang nắm giữ "các cổ phiếu riêng lẻ, quỹ tương hỗ hay quỹ hưu trí", giảm mạnh so với mức 65% trong năm 2007.

Sự sụt giảm của hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán (TTCK) có liên quan chặt chẽ tới kết quả một nghiên cứu khác của Gallup. Theo đó, người Mỹ xem bất động sản là kênh đầu tư dài hạn tốt hơn so với chứng khoán, bất chấp đà tăng của giá cổ phiếu trong thời gian qua và sự sụp đổ tổng thể của thị trường nhà ở. Trong số những người được thăm dò, 33% tin tưởng rằng bất động sản sẽ là "kênh đầu tư dài hạn tốt nhất", trong khi 24% chọn hình thức gửi tiết kiệm, 24% chọn cổ phiếu hay các quỹ tương hỗ, và 12% chọn trái phiếu.

Không nghi ngờ gì nữa, chứng khoán Mỹ đã hình thành chu kỳ giảm, ít ra trong ngắn hạn. Chỉ số Dow Jones tuy chỉ mất khoảng 7% giá trị đỉnh cuối tháng 4/2011, nhưng cách thức giảm của nó lại khá "chắc chắn".

Như một thông lệ, gói kích thích kinh tế QE2 (Chương trình nới lỏng định lượng) giá trị 600 tỷ USD của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) kết thúc vào ngày 30/6/2011 đã được thị trường phản ứng trước. Các nhà đầu tư lại một lần nữa vận dụng thành thạo câu ngạn ngữ "Sell in May and go away" (bán tháng Năm rồi đi chơi). Không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có một gói QE3 tiếp theo vào cuối năm nay.

Sự đổ dốc của nhiều TTCK ở các châu lục khác cũng phản ánh rõ nét hơn đà xuống dốc của chứng khoán thế giới. Tại châu Á, Hang Seng của Hồng Kông và Kospi của Hàn Quốc đã không cầm cự được đỉnh cao. Sau thảm họa sóng thần, Nhật Bản được xem là kiên cường trong việc khắc phục hậu quả và TTCK nước này cũng không quá tệ như một số người dự đoán. Tuy nhiên, hậu quả lâu dài đang khiến Nhật có thể rơi vào một chu kỳ suy thoái mới (thực tế là quốc gia này đã được đưa vào diện suy thoái).

Chính vì thế, chứng khoán Nhật đang góp một phần không nhỏ vào đà suy giảm của chứng khoán châu Á. Hiệu ứng đương nhiên xảy ra là TTCK của hàng loạt quốc gia mới nổi như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ... đã từ sụt giảm đến lao dốc trầm trọng.

Châu Âu cũng không khá gì hơn. Ngoài DAX của Đức và FTSE của Anh còn tương đối giữ được mức quân bình, đa số các chỉ số chứng khoán của các quốc gia khác đều có độ sụt giảm đáng kể. Khối TTCK Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, sau một thời gian dài duy trì được thế đi ngang, đã bước vào đợt lao dốc mạnh mẽ, cho thấy "mái nhà" của châu Âu đã bị dột. Micex của Nga cũng nằm trong tình trạng tương tự. Trong khi đó, Hy Lạp, Slovenia và Síp vẫn là ba quốc gia có chỉ số chứng khoán tệ nhất thế giới (đáng lẽ cũng nên tính cả Việt Nam trong số đó).

Tuy vậy, chưa có dấu hiệu hoảng loạn nào xuất hiện tại TTCK Mỹ. Xu hướng giảm giằng co trở thành phổ biến và chỉ số chứng khoán vẫn thường phản ứng phục hồi sau một chuỗi phiên suy giảm liên tục. Vào những phiên phục hồi, tương lai của Hy Lạp lại được viện ra như một cái cớ để thị trường không thể tiếp tục giảm hơn nữa.

Vì thế hiện thời đang tồn tại hai luồng quan điểm khá trái chiều về xu hướng vận động của TTCK Mỹ. Có những nhà đầu tư như tỷ phú Ken Fisher thì cho rằng sự biến động của TTCK đang tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục và chuẩn bị cho sự trở lại của thị trường giá lên vào năm tới (2012). Có thể tỷ phú này dựa vào tiền lệ của giai đoạn 2003-2007.

Cũng đã xuất hiện một vài chiến lược gia của ngân hàng Mỹ nêu ra dự đoán về tương lai không đến nỗi quá mờ mịt của nền kinh tế thế giới và do đó chứng khoán vẫn có cơ hội tăng hơn nữa ngay trong năm nay.

Trong khi đó, một số chuyên gia lại cho rằng muốn tiếp tục một chu kỳ tăng điểm mới, các chỉ số chứng khoán Mỹ phải có một đợt sụt giảm mạnh. Hiệu ứng domino nợ công đang có khả năng lây lan từ Hy Lạp sang Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và có thể cả Ý nữa. Chưa có gì bảo đảm chắc chắn là châu Âu sẽ giải quyết được vấn đề này một cách ổn thỏa.

Hiện thời, Dow Jones đang lơ lửng ở vùng điểm 11.888-12.000. Nếu trong thời gian tới, chỉ số này rơi khỏi mốc 11.800 điểm thì có khả năng TTCK Mỹ sẽ sảy chân vào một đợt lao dốc khá mạnh. Khi đó, việc phục hồi đỉnh cũ 12.800 điểm của Dow Jones là rất khó khăn, và nhiều khả năng 6 tháng cuối năm 2011 sẽ phải chứng kiến 2-3 sóng đổ dốc của chứng khoán Mỹ.

Trong trường hợp vẫn duy trì trên 11.800 điểm, Dow Jones có khả năng tiếp tục hành trình phục hồi để chinh phục ngưỡng 13.000 điểm. Tuy nhiên, quá trình này nếu có diễn ra cũng sẽ rất chật vật và mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, một tác động mà nhiều chuyên gia phố Wall dường như chưa mấy để ý là biến động của thị trường bất động sản Mỹ. Trong hai năm qua, thị trường này đã nằm im và cho tới giờ mới chỉ có khu vực Miami là hơi có chút khởi sắc. Tuy nhiên, không loại trừ sự ảm đạm của TTCK Mỹ sẽ kích thích sự hồi phục phần nào đối với thị trường nhà đất quốc gia này.

Thời gian qua, có vẻ ngược với khuynh hướng sụt giảm của TTCK Anh và Pháp, giá nhà tại hai nước này lại có chiều hướng tăng nhẹ, đặc biệt thu hút khách hàng châu Á.

Do vậy, nếu thị trường bất động sản hình thành thế phục hồi vững chắc hơn, nó hoàn toàn có thể dòng tiền đầu cơ sẽ bị hút mạnh khỏi TTCK để chuyển vào kênh địa ốc, khiến cho TTCK tiếp tục những cơn chao đảo mới.

Comments

Popular posts from this blog

Nhiều nước Eurozone tuyên bố "thắt lưng buộc bụng"

Giá hạt tiêu thế giới tăng mạnh

Chế tác Pagarank (pagerank sculpting) thủ thuật xây dựng liên kết