Thời đại của hệ thống tài chính Trung Quốc

Hệ thống tài chính của Trung Quốc đã có những tiến bộ hết sức phi thường trong những năm gần đây. Tác giả Howard Davies quan sát quá trình biến chuyển này trên cương vị là thành viên của Hội đồng cố vấn quốc tế cho Ủy ban Giám sát ngân hàng Trung Quốc (CBRC).

Quay trở lại năm 2002, tất cả các ngân hàng lớn của Trung Quốc đều tràn ngập các khoản nợ xấu (NPL), trong một số trường hợp lên tới hơn 10% tổng cân đối tài sản. Không ngân hàng lớn nào thậm chí đáp ứng được tiêu chuẩn của Hiệp ước vốn Basel (the Basel Capital Accord) hay Basel I về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. (Hệ thống này cung cấp khung đo lường rủi ro tín dụng với tiêu chuẩn vốn tối thiểu là 8%).

Các nhà tài chính ở Luân Đôn hay New York hầu như chỉ biết đến cái tên Bank of China, cơ quan thường bị nhận nhầm là Ngân hàng trung ương Trung Quốc. Và nếu bảo rằng Cục dự trữ Liên bang Mỹ, hay Cơ quan Dịch vụ tài chính Anh, nên học tập điều gì đó từ các quan chức tài chính Trung Quốc thì đó quả là sự điên rồ.

Chưa đầy một thập niên sau đó, nhiều điều đã thay đổi. Vấn đề nợ xấu đã được giải quyết, chủ yếu bằng cách thành lập các công ty quản lý tài sản để kiểm soát các tài sản không đảm bảo, và bơm vốn mới vào các ngân hàng thương mại. Giờ đây, nợ xấu trên báo cáo chỉ còn chưa bằng 1% tổng tài sản. Các đối tác nước ngoài được mời gọi đến để chuyển giao kỹ năng và cổ đông thiểu số đã được nới lỏng. Tính theo giá trị hiện tại, 4 ngân hàng Trung Quốc đang nằm trong top 10 thế giới về giá trị vốn hóa thị trường. Các ngân hàng này đang mở rộng ra nước ngoài, nhờ có dự phòng vốn mạnh.

Dĩ nhiên, thách thức vẫn còn. Ngay cả ở Trung Quốc cũng không thể có một bình thuốc thần giúp thu hồi lại khoản nợ của nhà xuất khẩu đã không còn tồn tại. Và các ngân hàng lớn của Trung Quốc thường cấp những khoản cho vay khổng lồ, dù tự nguyện hay không, cho các chính quyền địa phương để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng - mà giá trị kinh tế của nhiều trong số đó vẫn là điều phải bàn cãi. Và nguy cơ thị trường bất động sản sụp đổ cũng không nhỏ, ngay cả khi các ngân hàng Trung Quốc đang ở trong trạng thái hoạt đông tốt hơn các ngân hàng Mỹ và Anh, bởi nhiều khoản đầu tư đầu cơ được tài trợ bằng tiền mặt, hay hỗ trợ rất khiêm tốn.

Các nhà chức trách Bắc Kinh, đặc biệt trong Ủy ban Giám sát ngân hàng Trung Quốc (CBRC) và Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc có kinh nghiệm quản lý mầm mống bùng nổ và đổ vỡ tốt. Họ khá linh hoạt nhờ có một loạt các công cụ chính sách, bao gồm các chính sách vốn đa dạng, yêu cầu về dự trữ bắt buộc và các công cụ kiểm soát trực tiếp đối với điều kiện cho vay thế chấp. Họ đa thắt chặt tăng trưởng tín dụng trong vòng vài tháng nay và tác động tích cực đã thấy rõ.

Có thể hơi quá nếu nói rằng những chuyển biến trong hệ thống tài chính Trung Quốc có được là do những góp ý thấu đáo của các nhà cố vấn nước ngoài. Nhưng, trong khi tác động từ bên ngoài đã chứng tỏ có tác dụng trên mặt này hay mặt khác - tác nhân kích thích Basel I và II hỗ trợ đắc lực quyết tâm làm thông thoáng hệ thống ngân hàng của Bắc Kinh - thì người Trung Quốc hiện nay đã đón nhận những cố vấn từ Luân Đôn hay Phố Wall với ít nhiều những nghi ngờ.

Đơn cử, những chỉ trích mới đây của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner về các nhà quản lý châu Á được nhìn nhận trong khắp khu vực là thiếu am hiểu. Nhìn vào những gì các nhà quản lý Mỹ thực hiện trước cuộc khủng hoảng, họ không khỏi mất tin tưởng. Và theo họ, những ai "chỉ sống trong nhà kính" thì không nên "chỉ tay năm ngón" với những gì họ làm.

Tiến triển thú vị nhất là chúng ta có thể thấy ngày càng nhiều sự đồng quy trong các triết lý và công cụ quản lý ở Bắc Kinh, Luân Đôn, và New York. Cho tới trước những biến cố của chủ nghĩa Tư bản phương Tây những năm gần đây, các nhà chức trách Bắc Đại Tây Dương vẫn nghĩ rằng lịch sử tài chính đã đến hồi kết. Hoạt động tài chính có thể được kiểm soát bằng một công cụ - lãi suất ngắn hạn - được triển khai, dù hàm ẩn hay rõ ràng, hoàn toàn chỉ nhằm một mục tiêu kiềm chế lạm phát giá tiêu dùng.

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu được thiết lập và giữ cố định trên toàn cầu. Nhưng thị trường có tiếp nhận ý tưởng đó hay không lại là chuyện khác. Các ngân hàng vẫn có những ưu đãi cho vay khôn ngoan của riêng mình, và kiểm soát cho vay thường chứng tỏ không hiệu quả. Ngược lại, ở Trung Quốc, tất cả các khía cạnh của hoạt động kinh doanh ngân hàn được giám sát trực tiếp. Thực tế, hầu như tất cả các ngân hàng đều chịu sự chi phối của Ngân hàng trung ương.

Hiện tại, ở Bắc Kinh, các quan chức đều nhận thức rõ lợi thế của cách tiếp cận không can thiệp, và của các thể chế lấy thương mại làm trọng tâm. Nhưng họ cũng không ngại sử dụng vốn khả biến và dự trữ bắt buộc, tỷ lệ nợ trên tiền gửi, và ngưỡng tiền gửi tối thiểu và nợ tối đa như những công cụ kiếm soát cho vay đầu tư bất động sản.

Trong khi đó, tại các thị trường vốn phát triển, người ta vẫn đang bận rộn biến tấu các "công cụ điều tiết vĩ mô" (macroprudential instruments) thành một thuật ngữ thời thượng ở Basel. Chúng ta đã thấy bộ công cụ linh hoạt hơn đã được sử dụng để giải quyết sự mở rộng tín dụng quá mức, hay bong bóng giá tài sản, nơi những điều chỉnh về lãi suất ngắn hạn có thể chỉ là những công cụ cùn, hay tồi tệ hơn, là thanh gươm hai lưỡi. Nâng lãi suất có thể giúp hạ nhiệt thị trường cho vay thế chấp, nhưng cũng làm rúng động phần còn lại của nền kinh tế.

Triết lý quản lý cũng đang dần thống nhất. Lệnh huấn thị nổi tiếng của cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher rằng "bạn không thể chống lại thị trường" là một phần trong tư duy quản lý tại bán cầu tây thời tiền khủng hoảng. Còn cựu Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan nhấn mạnh, phản đối mọi nỗ lực kiểm soát tâm lý bầy đàn của những người tạo ra sự giàu sang tại Phố Wall.

Người Trung Quốc thì khác hơn chút. Họ không ngại gọi bong bóng là bong bóng, hay về can thiệp để làm xì hơi nó. Hiện tại chỉ có Sarah Palin còn tôn sùng quan điểm của Thatcher về mọi vấn đề, và Greenspan đã bị loại ra khỏi lịch sử tài chính mang phong cách Trung Quốc hiện nay.

Khi G-7 trở thành G-20 vào đầu năm 2009, nhiều người lo ngại một cách có lý do rằng, với quá nhiều thành viên tham gia, đến từ các truyền thống khác nhau, sẽ khó đạt được đồng thuận về các vấn đề quản lý trong Hội đồng Giám sát ngân hàng ở Basel hay ở bất cứ đâu. Nhưng như những gì đã xảy ra, có vẻ những quan ngại này đã quá bị phóng đại.

Comments

Popular posts from this blog

Nhiều nước Eurozone tuyên bố "thắt lưng buộc bụng"

Giá hạt tiêu thế giới tăng mạnh

Chế tác Pagarank (pagerank sculpting) thủ thuật xây dựng liên kết