Kinh tế thế giới: Thực trạng khó khăn, triển vọng mờ mịt

Cái thời kinh tế Mỹ là trụ cột và động lực cho kinh tế thế giới nói chung, dù đó là phục hồi hay tăng trưởng, ra khỏi suy thoái hay chống khủng hoảng, xem ra khó lòng trở lại sớm.
Theo Ngân hàng Thế giới, hiện tại ở các nước đang phát triển và mới nổi đã có dấu hiệu về nguy cơ tăng trưởng quá nóng, trong khi đó ở các nước công nghiệp phát triển, đặc biệt là Mỹ và khu vực đồng Euro, lại quá trì trệ. Nơi nào khác có thể khả quan, chứ còn đối với Mỹ thì thực trạng kinh tế vẫn rất khó khăn và triển vọng tăng trưởng kinh tế vẫn rất mờ mịt.
Những dấu hiệu
Hơn hai năm sau bùng nổ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, kinh tế Mỹ hiện nay tuy có thể được coi là thoát khỏi khủng hoảng, nhưng nếu nói đã phục hồi thì chưa hẳn phải và nếu nói có tăng trưởng thì cũng lại phải nói cho chính xác là tăng trưởng chưa ổn định. Gần như ai cũng chắc chắn rằng kinh tế Mỹ trong năm nay sẽ không thể đạt được mức độ tăng trưởng hơn 3% như mọi dự báo từ trước tới nay. Người Mỹ bỗng nhiên lại phải tự đặt ra câu hỏi: Liệu có đúng là cái tồi tệ nhất đã qua rồi hay không?

Những dấu hiệu đều cho thấy bức tranh về kinh tế khó khăn ở thời điểm hiện tại và cả trong thời gian tới. Giá dầu cao và tác động của thiên tai cũng như thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản. Cái chuỗi cung ứng bán thành phẩm, linh kiện, sản phẩm... từ Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề và phần nào gián đoạn cũng đã ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Mỹ. Giá dầu tăng vốn vẫn luôn là một kẻ thù không khoan nhượng đối với cả phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian qua, giá dầu tăng còn có liên quan đến chính biến xảy ra ở một số quốc gia Bắc Phi và Trung Đông, đặc biệt đến cuộc chiến tranh mà NATO đã tiến hành ở Libia. Từ đó có thể thấy, cả trong thời gian tới, giá dầu chưa thể có chiều hướng giảm hoặc nếu có giảm thì cũng chỉ với mức độ nhỏ. Chính phủ Nhật Bản đang rất tích cực đối phó với thiên tai và thảm họa hạt nhân, nhưng cũng phải mất thêm không ít thời gian nữa thì mới có thể cơ bản ổn định được tình hình. Hai nhân tố này, với mức độ khác nhau, sẽ vẫn còn tác động tới chiều hướng và tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Mỹ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh và tăng trưởng kinh tế nói chung ở Mỹ cũng chưa thể nói đã được thuận lợi. Thâm hụt ngân sách liên bang và vay nợ công không chỉ vẫn khổng lồ mà còn kìm chân hãm tay chính phủ Mỹ trong việc điều tiết kinh tế vĩ mô. Nguy cơ chính phủ không có tiền chi tiêu đến mức phải đóng cửa nếu như không nâng mức giới hạn vay nợ của chính phủ và sự bất hợp tác của Đảng Cộng hòa trong lưỡng viện lập pháp mà trong đó Đảng Cộng hòa lại kiểm soát Hạ viện càng khiến giới kinh tế và kinh doanh cũng như đối tác bên ngoài và người dân trong nước thêm bi quan. Tất cả những chuyện đó tác động trực tiếp tới sản xuất của giới kinh doanh và tiêu dùng của người dân, ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tài chính và bất động sản. Chẳng hạn như những số liệu thống kê mới được công bố cho thấy thị trường nhà ở và bất động sản đang có chiều hướng trở thành trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ. Giá giảm. Có tới hơn hai triệu người Mỹ bị buộc phải bán đi bất động sản của họ và có khoảng 4 triệu người Mỹ không có tiền trả nợ đúng hạn từ 60 ngày trở lên. Các đối tác của Mỹ vẫn còn rất lo ngại bởi việc đồng USD tiếp tục bị mất giá, nguy cơ lạm phát tăng và những mất cân đối về tài chính và tiền tệ, kinh tế và thương mại giữa Mỹ với các đối tác quan trọng nhất cứ ngày càng thêm sâu sắc chứ không vơi bớt đi. Thất nghiệp vẫn rất cao cho dù đạt được thành tích cũng rất đáng kể trong việc tạo ra việc làm mới. Thất nghiệp cũng lại còn là một chiếc hàn thử biểu rất quan trọng và đáng tin cậy về môi trường chính trị nội bộ, kinh tế và xã hội với những tác động không nhỏ tới sự phát triển kinh tế.

Những nguyên nhân

Nguyên nhân của thực trạng và triển vọng nói trên của nền kinh tế Mỹ dễ nhận thấy nhất ở giá dầu tăng và tác động tiêu cực từ thiên tai và thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản, cũng như ở môi trường kinh tế và kinh doanh ở Mỹ, đặc biệt về phương diện tài chính và tiền tệ. Nhưng nguyên nhân cơ bản lại là việc kinh tế Mỹ vẫn chịu tác động của những biện pháp chính sách nhằm đối phó với khủng hoảng trong khi trên thực tế đã ra khỏi khủng hoảng. Việc chính phủ bơm những khoản tiền lớn vào thị trường và tạo thuận lợi cho cấp phát tín dụng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và kinh tế là cần thiết và thích hợp để nhanh chóng phục hồi kinh tế, nhưng đến mức độ nhất định nào đấy thì phải kiên định chấm dứt chính sách trọng cung để chuyển sang trọng cầu, dùng kết quả tăng trưởng của thời kỳ trước làm điểm xuất phát và đà cho thời kỳ tăng trưởng sau. Hiện tại, ở Mỹ trong bối cảnh tình hình như thế mà vẫn còn sa đà vào cuộc tranh luận có nên tiếp tục thực hiện chương trình kích cầu phát triển kinh tế mới nữa hay không sau khi chương trình hiện tại hết hạn. Những chương trình kích cầu như thế chỉ có thể ngắn hạn và luôn đi cùng nguy cơ về lạm phát, tăng thâm hụt ngân sách nhà nước và vay nợ công.

Một nguyên nhân khác nữa là định hướng không rõ ràng trong chính sách kinh tế của Tổng thống Barack Obama. Vị tổng thống này dường như vẫn còn quá kỳ vọng vào vai trò điều hành và điều tiết, vào sự can dự trực tiếp và chi phối của nhà nước đối với thị trường và nền kinh tế. Ông Obama xem ra cũng chưa tin tưởng mấy vào khả năng tự vận hành để tìm lại sự tăng trưởng của thị trường và giới kinh tế. Các nhà đầu tư vẫn còn rất lưỡng lự và lo ngại vì số phận cuộc cải cách y tế của ông Obama hiện đang bị Đảng Cộng hòa trong Hạ viện đảo ngược. Mức thuế đánh vào các doanh nghiệp vẫn còn rất cao so với mức độ trung bình trên thế giới. Chương trình thúc đẩy xuất khẩu của ông Obama nghe rất hay và được khởi động rất rùm beng nhưng rồi sắp có nguy cơ “đầu voi đuôi chuột” như Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Columbia hay Panama... cũng bởi vấp phải sự chống đối từ phía Đảng Cộng hòa. Ngay cả đến chuyện gần như tất cả các cố vấn và cộng sự thân cận và tài năng nhất của ông về kinh tế và tài chính - trừ Bộ trưởng Tài chính Geithner - đều đã rời bỏ ông Obama cũng gây ra tác động tâm lý và thực tiễn không nhỏ đối với chiều hướng và mức độ tăng trưởng kinh tế ở Mỹ.

Thực trạng và triển vọng kinh tế như vậy rất bất lợi đối với cơ hội tái cử của ông Obama trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới ở Mỹ. Trong lịch sử nước Mỹ, các ứng cử viên tổng thống thường thắng cử hay thất cử đều bởi chủ đề kinh tế, cực kỳ hãn hữu mới có lần chủ đề đối ngoại hay an ninh quyết định kết quả bầu cử. Các số liệu thống kê còn cho thấy từ thời Tổng thống Theodor Rosevelts đến nay, không có vị tổng thống đương nhiệm tái ứng cử nào ở Mỹ được tái cử nếu trong ngày bầu cử tỷ lệ thất nghiệp cao hơn 7,2%. Hiện tại, mức độ thất nghiệp ở Mỹ là 9,1%. Cái may đối với ông Obama là phía Đảng Cộng hòa đến giờ chưa thấy xuất hiện nhân vật nào có đủ khả năng đánh bại ông Obama. Nhưng từ nay đến ngày bầu cử đầu tháng 11/2012 vẫn còn rất nhiều thời gian, đủ để Đảng Cộng hòa tìm ra “lá xanh giữa mùa thu”, nhưng cũng đủ để ông Obama xoay chuyển tình thế hiện tại.

Comments

Popular posts from this blog

Nhiều nước Eurozone tuyên bố "thắt lưng buộc bụng"

Giá hạt tiêu thế giới tăng mạnh

Chế tác Pagarank (pagerank sculpting) thủ thuật xây dựng liên kết